Có lẽ bạn đã từng đi máy bay hoặc ít ra cũng nhiều lần thấy trên phim ảnh, cảnh người ta bay từ nơi này đến nơi kia. Những điều mà bạn biết về thế giới hoạt động của máy bay và sân bay – dù với tư cách là hành khách hay khán giả xem phim - cũng giống như việc bạn ngồi trên một chuyến tàu tốc hành, nhìn ra ngoài cửa sổ, cảnh vật bên đường loang loáng hiện lên, bạn không có thời gian và điều kiện để quan sát và nhận diện.
Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc về "hậu trường" đằng sau những chuyến bay an toàn kia không?!
Giả sử bạn là hành khách – chẳng hạn trên một chuyến bay quốc tế từ TP Hồ Chí Minh đến Paris – có thể bạn không biết rằng một chuyến bay, nhất là những tuyến đường dài quốc tế đã được chuẩn bị từ nhiều tháng, nhiều tuần và nhiều ngày trước, cho đến khi chiếc máy bay có thể hạ cánh an toàn ở sân bay Paris.
Trước tiên, bộ phận điều hành bay phải lên lịch hoạt động cho nó, chỉ định một chiếc máy bay cụ thể và đặt cho nó một số hiệu. Thường người ta chọn Boeing 777 với tầm bay tối đa từ 10.800 km đến 12.400 km có hai động cơ và số lượng hành khách tối đa là 338 người. Danh sách phi hành đoàn (trong những chuyến bay đường dài quốc tê thường có hai tổ lái ) được lên trước khi máy bay cất cánh ít nhất một tháng. Các phi công kì cựu và các tiếp viên lâu năm có quyền đề xuất những chuyến bay cho mình và những thông tin liên quan về chuyến bay này được gửi đến những bộ phận có liên quan như Trung tâm quản lí bay, Ban vận chuyển hành lý, Trung tâm tiếp nhiên liệu… Trong khâu chuẩn bị người ta phải làm công tác tính toán nhiên liệu, xác định tham số bay, tình trạng của máy bay cùng nhiều đòi hỏi kỹ thuật khác trước khi đưa nó vào khai thác.
Trước giờ bay, bộ phận Kỹ thuật sẽ cử một đội thợ máy đi kiểm tra toàn diện máy bay (trong nghề người ta gọi việc làm này là bảo dưỡng ngoại trường), bao giờ cũng gồm những nội dung sau:
- Kiểm tra bên ngoài máy bay;
- Kiểm tra các hệ thống trong máy bay;
- Kiểm tra các trang thiết bị an toàn bao gồm tất cả các hạng mục như phao cứu đuối, đèn khẩn cấp, xuồng, đài phát sóng khẩn cấp, thuốc chống cá mập, rìu phá băng, đèn bấm…
- Kiểm tra việc nạp nhiên liệu;
- Làm hiệu cho phi công nổ động cơ cho đến khi máy bay lăn đi.
Sau khi kiểm tra bảo dưỡng và kết quả cho thấy máy bay có thể đi vào hoạt động, tổ trưởng tổ Kỹ thuật sẽ ký một tờ giấy xác nhận hoàn thành bảo dưỡng, chỉ khi ấy máy bay mới chính thức được đưa vào khai thác cho chuyến bay của bạn. Nếu có trục trặc, các tổ kỹ thuật chuyên môn sẽ vào cuộc, tích cực hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất để đưa máy bay vào hoạt động. Bạn cũng cần biết là mỗi giờ máy bay nằm trên mặt đất đều phải trả bằng tiền, rất nhiều tiền, và gần một nửa số máy bay đang được Vietnam Airlines khai thác là máy bay thuê của nước ngoài.
Trái với cách hiểu của mọi người, thợ máy và kỹ sư máy bay bao giờ cũng quan tâm đến việc máy bay qua tay họ sửa chữa sẽ hoạt động như thế nào trong khi bay. Sau khi hoàn thành các phần việc dù có độ khó đơn giản hay phức tạp, họ đều để mắt theo dõi và kiểm tra công việc của mình. Nếu máy bay hoạt động tốt – mà thường là như vậy – thì đấy là phần thưởng đối với họ. Một khi đã hoàn thành việc sửa chữa, phi công trưởng hay đoàn trưởng đoàn bay thực hiện công tác bay thử rồi ký tên vào biên bản chứng nhận máy bay được phép đưa vào sử dụng.
Hoạt động bảo dưỡng ngoại trường diễn ra tại sân đỗ và khi “guồng máy” được khởi động cho một chuyến bay thì đội phục vụ sân đỗ của Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS) bắt đầu lái những chiếc xe chuyên dụng như xe khởi động khí, thổi khí lạnh, xe điện, xe kéo máy bay, xe nâng hàng, xe lái ống... vây quanh máy bay. Tất cả, như một bầy ong thợ chuyên cần, xúm quanh tổ ong khổng lồ, khẩn trương tiến hành những công việc cần thiết.
120 phút trước giờ cất cánh, nhân viên ở Trung tâm kiểm soát khai thác Tân Sơn Nhất (OCC) sẽ báo cho công ty chế biến suất ăn (VAC) đăt số phần ăn theo đúng dự kiến. 45 phút trước giờ xuất phát, người ta bắt đầu đưa các suất ăn lên máy bay. Bao giờ suất ăn ở khoang hạng nhất cũng được tính dôi ra vì khách ở đây – theo qui định của nhiều hãng – có thể yêu cầu thêm phần ăn.
Một chuyến bay quốc tế thường có nhiều khách nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch và những thói quen ẩm thực khác nhau. Khi đặt vé, khách có thể nói rõ yêu cầu đặc biệt của khách hàng. Sau khi nhận đầy đủ số suất ăn, tiếp viên ký vào biên bản giao nhận và thế là xong một phần việc.
Tổ tiếp viên lên máy bay từ 30 đến 45 phút trước giờ cất cánh. Đó là những giờ phút bận rộn nhất trong công việc chuẩn bị, họ phải kiểm tra lại các loại vật dụng trên máy bay, thường thì có đến hàng trăm những món đồ khác nhau từ chăn gối, túi chống nôn, thuốc cấp cứu, tã lót trẻ con cho đến báo chí… Đó là những món đồ thường được các hãng phát không, nếu trong chuyến sau thiếu món gì đó, người ta sẽ tự động bù lại cho đủ số.
Trong khi ấy, ở một nơi nào đó trong sân bay, hai người chịu trách nhiệm đưa bạn đến Paris an toàn đang đi vào văn phòng điều hành của hãng. Ở đó, họ có những công việc quan trọng phải làm trước khi lên máy bay. Các nhân viên chức năng đã chuẩn bị sẵn sàng những thông tin cần thiết cho tổ lái trong quá trình thực hiện chuyến bay. Cơ trưởng và cơ phó cùng kiểm tra kế hoạch bay, trong khi các chuyên viên trong ban điều hành bay vẫn tiếp tục thu nhận từ khắp nơi trên thế giới tin tức về những tuyến đường hàng không, tình trạng các sân bay trên thế giới, bản tin khí tượng, thậm chí cả tình hình chiến sự ở những vùng trời mà máy bay đi qua.
Phi công kiểm tra các biểu đồ, đưa ra những thay đổi nếu cần thiết sau đó họ lập kế hoạch bay rồi gửi một bản đến Trung tâm quản lý bay. Bộ phận kiểm soát không lưu là nơi năm được các thông tin về khí hậu thời tiết (mây, gió, nhiệt độ, tầm nhìn…) về không vực và các đường bay; họ sẽ có thông tin phản hồi về kế hoạch bay, nếu không đồng ý họ sẽ ra một đề nghị khác. Sau đó, cơ trưởng sẽ ký vào bản kế hoạch bay rồi gửi đi và họ ra máy bay, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.
Ở khu vực nhà ga, các thủ tục viên (check – in) bắt đầu làm thủ tục cho hành khách. Hành lý từ quầy làm thủ tục theo băng chuyền tập kết vào địa điểm để hành lý. Ở đấy, một nhân viên theo dõi từng chiếc valy được đưa vào. Liếc qua tấm thẻ dán trên valy cho biết điểm đến, người này ấn vào nút tương ứng, một cái cần tự động sẽ nhấc nó đưa vào “lô” dành cho hành lý đi cùng chuyến. Sau đó, nó được các nhân viên chức năng chất lên xe đưa hàng ra máy bay.
Hệ thống vận chuyển hành lý được tính toán rất khéo léo, chính xác và thường thì không có nhầm lẫn. Nhưng đôi khi sai sót vẫn xảy ra, thành thử chiếc valy đáng lẽ theo bạn đến Paris lại có thể “lạc” sang tận Sanfrancisco nếu như hai chuyến lại được làm thủ tục vào cùng một thời điểm. So với vài chục năm về trước tình hình này đã được cải thiện rất nhiều. Nếu vào những năm 1970, theo thống kê ở Mỹ, cứ trong 100 chiếc valy thì có 1 chiếc bị lạc hoặc “chỉ đơn giản bốc hơi” thì ngày nay tỉ lệ này đã giảm xuống rất nhiều nhưng dù sao hiện tượng đó vẫn xảy ra và tất cả các hãng hàng không đều có bộ phận chuyên tìm kiếm hành lý thất lạc.
Cùng với hành lý của khách, người ta cũng cho chuyển thư từ, bưu kiện và hàng hoá lên máy bay. Bạn cũng biết, vận chuyển hàng hoá cũng được xem là một nội dung quan trọng của chuyến bay và người ta kiếm được khá nhiều tiền trong công tác chở hàng hoá. Ở khu vực nhà ga, hay chính xác hơn trong phòng Tài liệu hướng dẫn chất xếp của TIAGS, các nhận viên cân bằng trọng tải làm việc miệt mài với các máy vi tính, tìm ra phương án tốt nhất để chất xếp hàng và hành lý lên máy bay. Yêu cầu cân bằng trọng tải hết sức quan trọng trong ngành hàng không. Máy bay, cũng như một con chim có thể chao bên này liệng bên kia; hành lý và hàng hoá nếu không được tính toán và chất xếp đúng quy cách có thể khiến cho máy bay nghiêng hẳng sang một bên và khi ấy nó không thể lấy lại thăng bằng nữa.
Để làm tốt công tác này, người ta phải bố trí các ghế sao cho lượng hành khách ở hai bên máy bay cân bằng nhau và không một chiếc valy hay một kiện hàng nào lại không được các nhân viên cần bằng trọng tải để mắt đến chỉ số cân nặng. Họ còn phải để ý đến cả trọng lượng trung bình của hành khách và mọi việc không hề đơn giản như bạn tưởng. Ví dụ, trong chuyến bay của bạn lại có một đoàn vận động viên bóng rổ hoặc cử tạ hạng nặng thì chắc chắn trọng tải của chuyến bay sẽ cao hơn một chuyến bình thường và các nhân viên này phải tính toán đến cả những chi tiết đó.
Ngoài việc tính toán cân bằng hàng hoá, họ cũng phải xét xem bản đề nghị tăng thêm nhiên liệu dự trữ của đội bay có hợp lý không (giả sử thời tiết xấu và cơ trưởng dự định phải bay lâu hơn dự kiến). Bài toán ở đây là số nhiên liệu bổ sung ấy có vượt quá mức trọng lượng tối đa cho phép không. Nếu đề nghị được thông qua, máy bay sẽ được tiếp thêm xăng. Tất cả những việc này phải diễn ra rất khẩn trương, không được vì nó mà làm cho chuyến bay khởi hành chậm lại, nếu không hãng sẽ phải chịu nhiều phí tổn. Bạn cũng biết là chẳng hãng hàng không nào muốn có những chuyến bay chậm trễ vì chính họ cũng chịu nhiều thiệt thòi: tiền khấu hao máy bay, tiền thuê sân đỗ, tiền nhiên liệu cùng nhiều chi phí khác.
Trên đây chỉ miêu tả bề nổi, còn vô số những phần việc khác diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau để chuẩn bị cho chuyến bay của bạn. Có đến 20 đơn vị, công ty, xí nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình này với hàng chục ngàn nhân viên và chúng ta không thể bao quát tất cả những hoạt động này, bởi vì nó diễn ra cùng một lúc và chỉ trong thời gian ngắn. Máy bay không thể nằm trên mặt đất mà kiếm ra tiền được, thời gian nó nghỉ giữa hai chuyến bay chỉ kéo dài từ 1 đến 2 tiếng.
Tuy bài viết đã cũ nhưng Kel vẫn hy vọng rằng những thông tin trong bài viết này có thể hữu ích cho bạn, đặc biệt là những ai không học ngành hàng không vẫn có cái nhìn tổng quan về nó! ^^
Lâu lâu có bài về lĩnh vực này cho vui
Lâu lâu có bài về lĩnh vực này cho vui
Đánh giá bài viết
Đánh giá bởi
Kelvin Dương
Ngày đăng
Chuyên mục
Aviation, Kiến thức @, Other
Đánh giá
Một số lưu ý khi bình luận
Mọi bình luận chứa Liên kết (link) - Quảng cáo - Spam sẽ bị XÓA
Đánh dấu Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo nhanh nhất khi Admin trả lời
[ Xem NỘI QUY ]
______________Bình luận sẽ được KIỂM DUYỆT trước khi được đăng!
Show Emoticon Hide Emoticon